Hơn hai năm nay, vợ chồng cụ Hồ Tăng Quang (hiện 93 tuổi, phường 11, quận Tân Bình, TP HCM) phải sống trong cảnh bất an vì các nhóm đòi nợ liên tục đến nhà yêu cầu phải trả nợ thay cho con gái là chị Hồ Mỹ Phụng (44 tuổi). Trước đó, chị này vay nặng lãi nhưng không có khả năng trả và đã đi đâu không rõ. Sự việc xảy ra gần nhất vào ngày 8- 9/9 vừa qua. Một nhóm gần 20 người đến nhà xưng là "giang hồ Hải Phòng" đến đe dọa, ném sơn và phân vào nhà... yêu cầu ông Quang trả nợ.
Ông Quang cho biết, vợ chồng ông cùng quê Quảng Nam, vào Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề dệt vải và tạo lập được nhiều nhà đất. Trong bốn người con, chị Phụng là con gái út, đã có gia đình riêng.
Từng là người con ngoan, tu chí làm ăn, năm 2015, chị Phụng kinh doanh thua lỗ dẫn đến đổ nợ, phải bán hết nhà, xe và các vật dụng giá trị vẫn không đủ trả. Thương con cháu ông đón về nhà ở, nhập hộ khẩu trong nhà mình. “Nó dại lắm, kinh doanh cái gì cũng lỗ mà nghe ai nói gì là bỏ vốn, mượn nợ, bán hết tài sản để đầu tư”, ông Quang tâm sự.
Căn nhà ông Quang bị nhóm người đòi nợ tạt sơn vào. Ảnh: NVCC |
Lần đó, chị Phụng xin lỗi, hứa sẽ tu chí làm ăn. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một năm sau, ông Quang phải ngậm đắng bán nhà để trả số nợ cho con gái gần 30 tỷ.
“Lúc đó, tôi nghĩ nó thế nào cũng là con mình. Xảy ra chuyện như vậy, nó cũng không muốn”, ông Quang nói buồn. Ông cũng mong chị Phụng biết sai mà dừng lại, song không được.
“Tôi không biết nó vay để làm gì, vay bao nhiêu tiền. Nó bỏ trốn, người ta tìm hai đứa con nó và vợ chồng tôi đòi. Tôi đã viết di chúc để hết tài sản cho bốn anh em nó, nhưng vì không đành nhìn thấy nó chịu khổ vì nợ nần mà đã sửa di chúc, bán đi căn nhà mặt tiền đường lớn được 30 tỷ trả thay. Giờ vợ chồng tôi già rồi, không làm gì ra tiền cả, chỉ có căn nhà đang ở làm nơi thờ cúng", ông tâm sự.
Vợ chồng ông vẫn chưa được yên. "Nhà tôi phải đóng cửa cả ngày, không dám ra đường giao lưu với ai vì sợ người ta đến gây hấn", ông Quang nói.
Ông Quang mong những người đòi nợ đừng đến tìm mình nữa. Ảnh: P.T |
Gần đây con nợ lại kéo đến đòi rát mặt, tuyệt vọng, ông tới tòa án quận xin làm thủ tục từ con để được yên ổn nhưng không được giải quyết. Ông muốn cắt khẩu của con gái nhưng chị Phụng bỏ đi đã lâu không liên lạc được nên cũng rơi vào bế tắc.
“Tôi xin tuyên bố, nó không phải con tôi. Từ giờ nó làm gì, ốm đau, bệnh tật hay bị người ta đe dọa tôi cũng kệ. Mấy người cho vay đừng cho người đến nhà tôi đòi nữa”, ông Quang tha thiết cầu xin.
Đại diện công an phường 11, quận Tân Bình, TP HCM cho biết, sự việc của nhà ông Quang xảy ra từ năm 2016 đến nay, phía công an đã đưa những người đòi nợ quá kích về trụ sở làm việc, tuy nhiên chưa thể kết luận, vì sự việc đang được điều tra, một phần vì chị Phụng vay quá nhiều tiền và đang đi đâu không rõ.
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP HCM cho rằng, việc ông Quang xin từ con là thuộc về phạm trù đạo đức, chỉ có thể nói bằng miệng hay bằng tình cảm, còn về mặt pháp luật, họ vẫn duy trì mối quan hệ cha - con. Việc tòa không chấp nhận yêu cầu của ông Quang là đúng, vì hiện nay, chẳng có luật nào cho phép cha mẹ từ con hay con từ cha mẹ.
Luật sư Hoan nhấn mạnh, chị Phụng đã 44 tuổi thì khi vay tiền ai phải có trách nhiệm, không liên quan đến những người trong gia đình. “Cụ Quang đứng trả thay con hơn 30 tỷ là thể hiện tình thương của người cha chứ cụ không có trách nhiệm. Việc chủ nợ đến khủng bố tinh thần, đe dọa, đập phá tài sản... buộc cụ Quang phải trả nợ thay là vi phạm pháp luật, gây mất trật tự xã hội và cần phải được xử lý hình sự”, luật sư Hoan nói.
Giáo sư Vũ Gia Hiền, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa Du lịch cho rằng, việc từ con của ông Quang chỉ là bước đường cùng.
"Cha mẹ ở tình cảnh này hãy dứt khoát từ chối trả hộ ngay từ đầu, vì trả thay một lần ắt có lần thứ hai. Dứt khoát với con là để con tự chịu trách nhiệm với việc làm của mình chứ không phải ghét bỏ”, giáo sư Hiền nói.
Phan Thân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét