Con đường đê hẻo lánh huyện Quốc Oai (Hà Nội) rẽ về xã Đại Thành sầm uất với cửa nhà san sát, những vườn nhãn sai trĩu đang tấp nập vào mùa thu hoạch.
"Nhãn lồng Đại Thành quả méo, hạt đỏ, cùi dày và thơm. Giờ nhãn ở quanh đây hết mùa rồi, chỉ còn nhãn Đại Thành thôi", mấy người bán hàng nhanh nhảu giới thiệu. Không nhiều người trong họ biết rằng đa số nhãn trong xã này đều được nhân giống từ một cây nhãn tổ.
Cây nhãn này nằm ở thôn Đại Tảo, vỏ sần sùi, bạc phếch, bốn nhánh lớn của nó vươn dài hàng chục mét, được đỡ trên 4 cọc bê tông vì sợ đổ.
"Nó có từ thời cụ thân sinh ra chồng tôi. Khắp trong Nam, ngoài Bắc, đâu đâu cũng về đây lấy giống", cụ Nguyễn Thị Cước, 83 tuổi, vui vẻ nói.
Để bảo vệ cây nhãn cổ, gia đình cụ Cước (thôn Đại Tảo, xã Đại Thành, Quốc Oai, Hà Nội) làm 4 trụ bê trông đỡ các cành. Ảnh: P.D. |
Từ ngày về làm dâu cụ Cước đã thấy cây sum suê đứng đó. Cứ đến mùa bà lại được giao nhiệm vụ thu hoạch đi bán. "Chưa năm nào tôi thấy nó không cho thu hoạch. Ít thì cũng được vài tạ, cao điểm được đến 8 tạ quả", cụ Cước cho hay.
Những năm đói kém, gia đình xem cây như "bảo vật". Cứ chập tối đám trẻ phải ra gốc cây gõ để dơi, chuột không đến phá, nhiều đêm hè thức tận 2-3 h sáng căng lưới bắt dơi.
Do chín muộn hơn vụ bình thường, nên nhãn có giá đắt, một kg thời đó tương đương với một kg thịt ngon, thậm chí vì đắt nên còn bị đánh thuế. "Một cây nhãn mua được nhiều tấn gạo. Có năm bố mẹ tôi bán xong mua được 2 cây vàng", anh Thành, con út của cụ Cước cho biết thêm.
Từ năm 1996, một số lái buôn tìm đến mua giống. Con cháu cụ Cước học được cách chiết, ươm và bắt đầu nhân giống, sau này mỗi người đều có một trang trại nhãn. Riêng hơn 20 cây của anh Thành chiết từ cây nhãn tổ đã được chính quyền công nhận là cây đầu dòng, với tên gọi giống HTM-1. Từ đó, anh cung cấp cây giống đi khắp các tỉnh.
"Ngày ấy một mắt nhỏ đã bán được 10.000 đồng. Một cành dài hơn gang tay, 10 mắt, bán được cả trăm nghìn. Người dân trong làng hay đùa 'Con cháu cụ Diếp - cụ trồng cây nhãn - bán củi mục cũng có tiền'", anh Thành, hiện là chủ nhiệm Hợp tác xã nhãn lồng chín muộn Đại Thành, chia sẻ. Gần 600 hộ gia đình ở xã đã đăng ký sử dụng thương hiệu giống nhãn này.
Nhờ loại cây này, cả dòng họ Nguyễn Văn đều có đời sống sung túc. Năm nay cây nhãn tổ cho thu hoạch hơn 3 tạ và được đặt mua từ trước. Những năm gần đây cây đã già cỗi, không còn sức đèo bòng nữa. Thường khi đậu quả, gia đình phải cắt bỏ 2/3 quả để nuôi cây. Sau mỗi mùa phải bón, tưới tắm kỹ càng. "Đã đến lúc phải cho cây được nghỉ ngơi", cụ Cước nói.
Phan Dương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét