Dưới đây là chia sẻ của anh Việt Cường, 32 tuổi, Hà Nội, về việc vợ anh mua nhiều đồ gia dụng trong nhà không tính toán:
Vợ tôi là người update các trào lưu mới rất nhanh, từ quần áo, giày dép, tới đồ gia dụng. Cô ấy thường xuyên lên mạng, nên cứ có mặt hàng gì mới là biết ngay. Thế nhưng khác với nhiều phụ nữ cùng trang lứa, chăm chăm chỉ mua các mặt hàng thời trang, vợ tôi lại đặc biệt thích sắm đồ bếp. Đôi khi tôi không biết đó là ưu hay nhược điểm của cô ấy, bởi chính thói quen này khiến vợ tôi bỏ qua nhiều đồ cũ vẫn dùng tốt vì "cưng" đồ mới hơn.
Ví như riêng dụng cụ xay, ép hoa quả, thực phẩm nhà tôi có tới 4 loại. Đầu tiên là chiếc máy xay sinh tố bình thường, có 3 cối xay thủy tinh. Chúng tôi sắm khi mới mua căn hộ chung cư 4 năm trước.
Khi có bé đầu tiên, vợ tôi sắm thêm máy xay cầm tay lúc con ăn dặm, bảo là máy này tiện hơn. Nó có thể xay các loại đồ ăn dạng nước loãng súp, cháo... Từ ngày có chiếc máy cầm tay này, vợ tôi xếp xó ngay chiếc máy xay sinh tố đời đầu.
Cứ có mẫu máy nào mới ra, vợ anh Cường đều muốn sắm về. |
Khi con được 8-9 tháng, tôi lại thấy cô ấy mang về máy ép hoa quả, nói là ép nước cho con uống, chứ máy xay lại phải dùng khăn lọc bỏ phần bã. Chiếc máy khá to, ép rất nhanh, khiến cô ấy hào hứng vô cùng. Thời gian đầu, ngày nào tôi cũng được uống ké nước táo, dứa, dưa hấu... cùng con. Nhưng rồi tần suất giảm dần, chỉ sau vài tháng, vợ tôi đã lại cho vào kho. Nhiều lúc tôi hỏi sao không mang ra ép tiếp, cô ấy nói ra ngoài hàng mua cho nhanh.
Khoảng nửa năm sau, tôi lại thấy vợ mang về một chiếc máy ép khác. Vợ tôi bảo máy này là ép chậm, vắt kiệt nước hơn hẳn so với máy ép nhanh cũ. Cô ấy lại lúi húi gọt ổi, cóc, dứa... cho cả nhà uống. Khi tôi hỏi mấy cái máy trước đâu, vợ nói bị hỏng nhưng hôm dọn nhà, tôi lôi ra kiểm tra thì thấy cái nào cũng vẫn dùng tốt.
Ngoài 4 thế hệ máy xay, vợ cũng khuân về nhà máy làm sữa chua, máy làm giá... Tất cả chỉ sau mua được hơn một năm, giờ đã chăng màng nhện dưới tủ bếp.
Tôi góp ý tại sao lại mua đồ mới liên tục trong khi những cái trước vẫn còn dùng được, vợ tôi nói đồ mới lúc nào cũng tiện dụng, thông minh hơn, tiết kiệm hơn. Đúng là các máy càng ra sau càng cải tiến, nhưng không thể cứ chạy theo trào lưu mãi được. Kinh tế nhà chúng tôi cũng không phải quá dư dả. Cô ấy nói sẽ cân nhắc khi mua những món đồ tiếp theo, nhưng tôi sợ rồi vợ mình sẽ lại tiếp tục khuân về những chiếc máy cùng chức năng như vậy.
Mộc Miên ghi
Chuyên gia phân tích tài chính Bội Lê (TP HCM) cho biết, cách chi tiêu và sử dụng đồ của chị vợ trong chia sẻ trên là lãng phí, nguyên nhân do chị bị kích thích tiêu dùng. Trong trường hợp này, biện pháp sửa chữa là lập kỷ luật tiêu dùng: lập kế hoạch tài chính dài hạn gồm có những khoản tiêu hàng tháng, đã định trong kế hoạch, và những khoản để dành cho những dự định tương lai (hưu trí, sửa nhà, cho con du học...).
Để giải quyết vấn đề này, người vợ cần phải có sự quyết tâm từ bên trong. Tác động của bất kỳ người nào, kể cả người chồng cũng có hiệu quả rất thấp, chủ yếu là sự thay đổi cách nghĩ của chính cô ấy.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét