Vợ chồng chị Thu Thủy cùng 32 tuổi cưới nhau đầu năm 2013, hiện có một bé 3 tuổi. Sau khi cưới, họ đăng ký mua một căn hộ trả góp giá 1 tỷ ở Nhà Bè, TP HCM. Số tiền 500 triệu có ban đầu chủ yếu do bố mẹ hai bên cho, còn bản thân hai người không tích lũy được bao nhiêu trước khi cưới.
Cả hai quen biết khi làm cùng một công ty, thuộc một tập đoàn công nghệ ở quận 7, TP HCM. Lương không chênh lệch là bao, lại có rất nhiều khoản tiêu chung (ăn chung tất cả các bữa trong ngày, đi làm cũng đi chung một xe) nên họ quyết định gộp chung tiền về một mối sau khi kết hôn. Cùng một tài khoản ngân hàng nào đó, họ đều làm hai cái thẻ ATM, chia mỗi người giữ một cái.
Mỗi tháng, gia đình chị Thủy phải trả 8 triệu tiền vay mua nhà, đóng 3 triệu tiền học cho con, các hóa đơn điện, nước, internet, phí dịch vụ, gửi xe... ở chung cư khoảng 1 triệu nữa. Đây là khoản chi tiêu cố định và chị thường thanh toán qua mạng ngay khi nhận lương. Hai vợ chồng còn lại khoảng 15 triệu để chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày và mua sắm vật dụng.
Ngoài những món đồ dùng chung thì với vật dụng cá nhân, vợ chồng chị đều mua đồng thời cho cả hai. Nếu chồng mua gì thì chị cũng mua một món tương đương, thậm chí nhiều khi chị chưa có nhu cầu nhưng vẫn mua để... bình đẳng. Vợ chồng chị cũng cảm thấy áy náy khi mình có đồ mới mà người kia vẫn phải dùng đồ cũ.
Khi chị mua chiếc điện thoại táo đỏ, do chiếc cũ bị rơi, vỡ màn hình, chị cũng khuyến khích chồng thay điện thoại mới. Anh chồng ngay lập tức bán điện thoại cũ của mình được 7 triệu, bù thêm 17 triệu để có được cái điện thoại mới như của vợ. Hoặc trước nữa, khi chồng chị Thủy muốn mua một chiếc xe đạp thể thao, anh cũng rủ chị mua xe đạp. Còn chị khi mua một bộ mỹ phẩm làm đẹp cũng không quên mua cho chồng ít quần áo để không ai cảm thấy thiệt thòi. Họ có thể dễ dàng quyết định như vậy bởi đều mua theo dạng trả góp, lãi suất 0 đồng hoặc dùng thẻ tín dụng mua trước trả tiền sau.
Vì luôn mua sắm nên kể từ khi cưới nhau đến giờ, vợ chồng chị không tiết kiệm được. Thường số tiền trong tài khoản chỉ nhỉnh hơn tổng thu nhập trong một tháng của hai vợ chồng.
Ảnh minh họa: Wordpress. |
Theo chuyên gia các vấn đề hôn nhân và gia đình Hồ Thị Tuyết Mai, cách quản lý tài chính của vợ chồng chị Thủy là rất nguy hiểm vì họ không tích lũy được. Nếu xảy ra bệnh tật, ốm đau, thay đổi công việc, hay khi gia đình nội ngoại cần giúp đỡ... vợ chồng chị Thủy sẽ không có ngân quỹ để lo liệu.
Bà Mai cho biết, bà cũng từng gặp nhiều cặp vợ chồng như trường hợp của gia đình chị Thủy. Hai vợ chồng liên tục "chạy đua mua sắm" mà không lo tích lũy cho gia đình. "Họ giống như những người góp gạo thổi cơm chung, chứ không phải là một cặp vợ chồng cùng nhau xây tổ ấm". Chồng mua một, vợ mua một, họ cho rằng thế là bình đẳng nhưng thực sự rất sai lầm, vì chi tiêu không tính đến nhu cầu thực của mình mà chỉ là để không thua kém nhau.
Khi nói chuyện với các cặp đôi chuẩn bị kết hôn, bà Mai đều khuyên họ ngay khi về chung sống, cần phải công khai tài chính và cùng nhau đóng góp vào quỹ tiết kiệm chung, để lo những việc lớn như mua nhà, sinh con hay đề phòng những bất trắc sau này.
Vợ chồng anh Hòa 35 tuổi, ở Hà Nội cũng "ông ăn chả, bà ăn nem" trong tiêu dùng cá nhân. Anh vốn thích sưu tầm đồng hồ và thắt lưng. Ban đầu chị Linh vợ anh rất bực vì chồng tốn tiền vào những thứ không đâu, sau đó chị nghĩ ra cách, mỗi khi chồng mua món gì cho bản thân, chị cũng ngay lập tức sắm quần áo, mỹ phẩm chất đầy tủ.
"Hai vợ chồng cũng thu nhập như nhau, chồng tiêu được thì vợ cũng tiêu được", chị Linh lý giải. Tuy nhiên, chính vì quan điểm như thế mà đến giờ sau 6 năm kết hôn, và hơn 10 năm đi làm, cặp vợ chồng ngoài 30 tuổi này vẫn chưa tích góp đủ tiền để sửa ngôi nhà cũ tại quận Hai Bà Trưng mà bố mẹ anh Hòa cho trước khi cưới, dù tổng thu nhập khoảng 35 triệu/tháng.
Hoàng Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét