"Con người ta bằng tuổi này đã làm nên sự nghiệp, con mình thì vẫn ngày ba bữa ba mẹ hầu cơm, đổ xăng, liên hoan với bạn cũng phải ngửa tay xin hai ông bà già hưu trí", ông bố 62 tuổi ở quận 12, TP HCM than thở.
Ông Nam có ba con, hai người con gái lớn đã lập gia đình, có công việc ổn định trong khi anh con trai út vốn được bố mẹ chăm chút nhất vẫn lông bông, làm chỗ nào cũng chỉ dăm bữa nửa tháng là nghỉ.
Có hai chị lớn, cậu em út được cưng chiều hầu như không phải mó tay vào việc gì từ lớn tới nhỏ. Tốt nghiệp Đại học Thủy Lợi ra, anh đi làm ở một vài nơi nhưng đều chê lương thấp, vị trí tẹp nhẹp. Vì thế, sau 8 năm ra trường, giờ ngày ngày anh đi cà phê hay nằm xem TV, chơi game, tới bữa thì ăn cơm mẹ đã dọn sẵn.
Vợ chồng ông Nam đã bán một mảnh đất cho con lấy vốn mở tiệm bán hàng nhưng "cậu chủ" ngày nào cũng chỉ mải chơi game và ngủ, thậm chí có hứng là đóng cửa hàng đi chơi ngay. Bởi vậy, chỉ vài tháng kinh doanh cạn vốn, lỗ nặng, anh lại về nằm nhà và xin tiền bố mẹ để ăn chơi.
"Bà nhà tôi cứ giục nó lấy vợ và hy vọng có gia đình vào con sẽ chí thú làm ăn còn tôi thì quá nản, bao lần còn muốn đuổi nó ra khỏi nhà nhưng lại không đành", ông Nam bày tỏ.
Ảnh minh họa: Dreamstime. |
Vợ chồng bà Xuân ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng phải căng mình lo không chỉ cho con trai mà cả con dâu lẫn cháu.
Vợ chồng bà có một dãy nhà trọ cho thuê, cộng với một cơ sở kinh doanh nhỏ nên kinh tế không phải lo nghĩ. Anh con trai ham chơi từ bé nên học hành không tới nơi tới chốn và chẳng có bằng cấp gì trong tay, chỉ giỏi đi cắm xe máy của bố mẹ. Gia đình nhờ người quen xin cho nhiều việc khác nhau nhưng không chỗ nào bền, chỉ vài bữa lại thấy nằm nhà chơi dài.
Đốc thúc con đi làm mãi không xong, vợ chồng bà Xuân chuyển sang giục con lấy vợ. Đến năm 29 tuổi, anh con trai cũng mang cô dâu về nhà, nhưng tật ham chơi không thích làm vẫn còn nguyên đó. Lại thêm cô vợ anh cưới về có bầu luôn nên cũng nghỉ công việc bán quần áo, ở nhà dưỡng thai, sinh con xong thì phụ mẹ chồng quản và thu tiền người ở thuê. Chị ham mua sắm nên được đồng nào bố mẹ chồng cho là đốt hết vào shopping.
"Đưa con đi khám, tiền sữa, tiền bỉm của con, mua sắm của bố, mẹ... đều từ túi ông bà hết. Giờ chúng tôi phải bao toàn bộ gia đình nhỏ của con trai chứ không phải mình nó nữa", bà Xuân kể.
Tiến sĩ xã hội học, đồng thời là thạc sĩ trị liệu tâm lý Phạm Thị Thúy, TP HCM, cho biết, chuyện những người trưởng thành, hoàn toàn bình thường về thể chất và trí tuệ nhưng vẫn sống phụ thuộc vào bố mẹ khá phổ biến. Trong khi ở nhiều nước phương Tây, con cái 18 tuổi là đã ra ở riêng, hoàn toàn tự lo cho cuộc sống cá nhân thì tại Việt Nam, nhiều người dù đã lập gia đình vẫn "sống bám" vào phụ huynh.
Trong các hội thảo hay khi đi tham vấn tâm lý, không ít bố mẹ ở tuổi 50-60 bày tỏ trăn trở không biết phải làm sao khi con 30, thậm chí 40 tuổi vẫn không chịu đi làm, ỷ lại mọi việc cho cha mẹ. Đa số họ có điều kiện kinh tế tốt, nuông chiều con từ nhỏ và về già mới nhận thấy hậu quả. Họ có của cải để cho con nhưng cũng thừa hiểu rằng "miệng ăn núi lở" nên lo lắng sau này khi mình xảy ra chuyện thì không biết tương lai con ra sao.
Có ông bố đau khổ kể rằng, vợ chồng ông đã không tiếc tiền cho cậu con trai duy nhất đi du học, hết ở Mỹ tới sang Australia, thậm chí sẵn sàng bán vài mảnh đất cho con lấy vốn kinh doanh nhưng quý tử đã 35 tuổi vẫn chơi dài, không công ăn việc làm.
"Nó đi làm chỗ nào cũng chê công việc không hợp, sếp kém, lương thấp... Đem tiền nhà đem đi 'khởi nghiệp' thì mãi vẫn chẳng thấy ăn thua gì, toàn thấy 'đầu tư' vào xe cộ, điện thoại, quần áo... Tiền bố mẹ đổ vào cứ như chui xuống lỗ không đáy, bao nhiêu cũng hết. Vợ chồng tôi sức khỏe ngày càng kém mà thấy con chỉ ham khoe mẽ, ăn chơi thì vô cùng sốt ruột. Khuyên nhủ con mà như nước đổ lá khoai", người đàn ông 63 tuổi bộc bạch.
Theo chuyên gia tâm lý Thanh Dung (Hà Nội), lý do chủ yếu khiến nhiều người trẻ sống dựa dẫm là do cách giáo dục của chính bố mẹ. Việc nuông chiều thái quá, làm thay con mọi việc từ nhỏ tới lớn dẫn tới sự triệt tiêu khả năng tự lập, ý thức vươn lên của con. Những người con này khi gặp một chút khó khăn là rút lui, không cố gắng vượt qua. Ngoài ra, một phần khác, có thể do sự áp đặt của bố mẹ từ nhỏ, khiến trẻ luôn làm mọi thứ theo ý người lớn, trưởng thành mất phương hướng, không tự chủ và thích thú ngành mình học, việc mình làm, sinh ra chán nản, buông xuôi.
Theo tiến sĩ Phạm Thị Thúy, để tránh rơi vào tình huống này, cha mẹ cần dạy con tự lập từ bé, chủ động "buông tay" sớm một chút để con biết tự chủ cuộc sống. Việc này cũng giúp trẻ bồi đắp lòng tự trọng, biết chịu trách nhiệm cho hành động của bản thân và có ý thức giúp đỡ gia đình.
Trẻ 2-3 tuổi có thể học dần cách tự vệ sinh cá nhân. Trẻ tiểu học cần biết tự phục vụ bản thân. Trẻ cấp 2 phụ giúp bố mẹ mọi việc nhà. Trẻ cấp 3 có thể đi làm thêm kiếm tiền để thấm về giá trị của sức lao động.
Với những gia đình con đã trưởng thành nhưng vẫn không chịu tự lập, theo tiến sĩ Thúy, bố mẹ cần vừa khích lệ con làm việc, lo cho bản thân, vừa phải tự mình "cai sữa" - ngừng chu cấp cho con. Việc "cắt viện trợ" cần được thực hiện có kế hoạch và dần dần. Hãy thông báo cho con biết trong một khoảng thời gian nào đó (6 tháng hay một năm) bố mẹ sẽ không chu cấp nữa, con phải tự lo liệu cuộc sống của mình. Đó cũng là cơ hội cho con thực sự trưởng thành. Nhiều khi, cần bị áp lực và ở thế phải tự chịu trách nhiệm, những người ỷ lại mới nỗ lực.
Vương Linh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét