Sau bài viết về Tôi cho con học trường tư chỉ sau 3 tuần vào trường công, nhiều ý kiến cho rằng, trường công hay tư đều có các ưu, nhược điểm riêng và không ít người bày tỏ, họ và con cái đều hài lòng khi lựa chọn hệ thống công lập. Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Lê Thanh Hòa, 48 tuổi, công tác trong ngành tài chính và đang sống tại TP HCM về quyết định này.
Cả hai con tôi đều học trường công từ lớp một tới lớp 12. Con gái lớn đã đi làm, có cuộc sống vui vẻ, năng động. Con trai thứ hai đang học đại học tại Mỹ, cũng tự tin, có thành tích tốt. Mặc dù cũng từng gặp các bất cập của hệ thống trường công lập, tôi vẫn tin vào quyết định của mình và an tâm với những định hướng cho các con.
Theo tôi thấy, trường tư hay trường công đều có những cái hay riêng:
- Trường công: học được sự tuân thủ nề nếp, học theo chương trình chung.
- Trường tư: Thoải mái, không bị gò bó, phát triển được kỹ năng mềm.
Ảnh minh họa: The Sydney Morning Herald. |
Hiện nay, nhiều người có suy nghĩ: Đã cho con đi học thì trách nhiệm thuộc về nhà trường mà quên mất gia đình mới là nơi giáo dục con mình tốt nhất. Nuôi con ăn học 16 năm, thời gian rất dài, chúng ta phải tính đến khả năng mình có lo cho con đường dài được không?
Tôi đã thấy có trường hợp: Cho con học trường quốc tế từ cấp 1, sau đó gia đình làm ăn thất bại nên chuyển con sang học trường công, cháu không thể học tiếp vì không tuân theo quy định được của nhà trường cũng như không theo kịp các bạn về kiến thức văn hóa. Tôi cũng từng chứng kiến có những bé đi học trường tư được thầy cô nuông chiều, cho thoải mái quá, khi về nhà ba mẹ không thể nói nổi.
Bản thân vợ chồng tôi không quá khó khăn tới mức chẳng thể lo cho con theo học trường tư nhưng chúng tôi nghĩ rằng nuôi con là hành trình dài và lựa từ cái ưu, cái khuyết thì cuối cùng vẫn lựa chọn trường công.
Tôi cũng từng băn khoăn không biết có nên chuyển con sang trường tư không khi con tôi vào lớp 1 vì thấy con phải học quá nhiều, học máy móc, không còn thời gian giải trí. Có lần, thấy con vừa làm bài vừa khóc, tôi hỏi thì cháu nói: "Con không thể nhớ thứ tự của từng loại trái cây trong nhóm vitamin đúng theo trong sách học". Tôi bảo con chỉ cần nhớ đầy đủ chứ không phải nhớ theo thứ tự của các loại trái cây đó.
Tôi thấy rằng, con chỉ học ở trường vài tiếng, thời gian còn lại là ở bên ba mẹ nên chính gia đình là nơi rèn cho con thói quen tốt và sẽ giúp con vượt qua được những khó khăn trên con đường học tập, chứ không phải lập tức chọn phương án thoải mái, dễ dàng hơn.
Khi cho con học trường công, tôi đã lường trước được các vấn đề như lớp đông, cô không thể quan tâm nhiều tới con, việc học nặng hơn, con có thể bị phê bình thường xuyên hơn... Con tôi đi học cũng hay bị cô phàn nàn. Những lúc ấy tôi thường thiện chí tiếp nhận và xem xét lại mọi việc, nếu thấy cô nói đúng thì mình sẽ cùng giúp con sửa, còn nếu điều cô nói chưa chính xác thì bỏ qua.
Tôi không ép con phải học mà chỉ hướng dẫn cháu cách học để hiểu chứ không học vẹt. Học ở trường công, con sợ thầy cô nhưng điều đó cũng có thể nhìn một cách tích cực bởi nó giúp cháu biết tuân theo kỷ luật, về nhà là tự học bài. Bên cạnh đó, vợ chồng tôi cũng luôn giữ thói quen là tối nào cũng xem qua bài vở để con biết rằng ba mẹ luôn quan tâm và sát sao tới việc học của con.
Cấp 1, cấp 2 cháu đều đạt loại giỏi, và sau đó hoàn thành cấp 3 một cách nhẹ nhàng. Sau khi con thi đại học, tôi mới cho cháu vào học một trường liên kết với nước ngoài. Hai năm học đại học (có thể gọi là trường quốc tế) ở Việt Nam, chi phí cho con không cao (khoảng 70 triệu đồng), sang năm 3, cháu đi học chuyển tiếp ở Mỹ với mức học phí bằng với mức học phí của sinh viên sinh ở Mỹ (khoảng 8.000 USD/năm). Hiện cháu đã học bên Mỹ nửa năm, tự tin giao tiếp với thầy Tây, điểm trung bình luôn đạt từ 3,6/4. Cháu cũng có ý thức tự lập rất cao, tự đi làm thêm trang trải chi phí, không muốn xin tiền ba mẹ dù chúng tôi nhắc con cứ tập trung lo học, gia đình đã chuẩn bị đầy đủ tài chính cho con 4 năm đại học.
Tôi luôn cho rằng vai trò của gia đình luôn rất quan trọng, nhất là trong việc hiểu và định hướng tương lai cho con. Hiểu con, biết con đam mê điều gì, ba mẹ sẽ giúp con phát triển bản thân, dù học ở môi trường nào. Khi con học cấp 2, cấp 3, cháu cũng mê chơi game. Thay vì cấm đoán, tôi nói với con rằng, nếu con mê game như vậy thì cố gắng học tốt để sau này vào đại học chuyên ngành lập trình game, di động. Tôi cũng hướng con tới việc dùng các game để học tiếng Anh thay vì bắt cháu phải ngừng chơi. Hồi học cấp 3, thích chơi đàn ghi ta, cháu cũng tự học qua các hướng dẫn bằng tiếng Anh trên mạng nên cũng rèn ngoại ngữ luôn.
Cha mẹ nào cũng muốn cho con cái được học trong một môi trường thoải mái nhưng cần có sự lựa chọn với điều kiện gia đình cũng như đừng phó mặc hết cho nhà trường thì dù trường công, trường tư, con cũng có thể phát triển tốt và có tương lai tươi sáng.
Lê Thanh Hòa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét