Chị Hoa Lê cho rằng, nếu muốn bé yêu trở thành người xuất sắc, không thể giới hạn việc học quanh bốn bức tường nhàm chán. Qua tìm hiểu, chị đúc rút được năm bí quyết tạo động lực cho con ham học hỏi dưới đây:
Lấp đầy thế giới của con bằng những quyển sách
Chị Hoa từng đọc nghiên cứu đăng trên The Guardian, theo dõi 17.000 người từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành. Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy, những bé thường xuyên đọc sách lúc 10 tuổi thì khi lên 16 có kết quả kiểm tra nhận thức, từ vựng, chính tả, toán học… đều cao hơn hẳn trẻ ít đọc.
Vậy nên, bà mẹ 8x cố gắng tạo động lực cho con đọc sách, hình thành thói quen nghe truyện trước khi ngủ. Chị cũng thiết kế kệ sách thiếu nhi cho bé ở nhà, khuyến khích con kể lại câu chuyện đã đọc được.
Động viên bé bày tỏ ý kiến và cho con quyền chọn lựa
Theo nghiên cứu của Giáo sư tâm lý học Erika A. Patall (Đại học Texas, Mỹ), thay vì ra lệnh hay đe dọa, cha mẹ hãy thử động viên bé bày tỏ ý kiến, kể cả khi con nói không thích học. Phụ huynh cần lắng nghe con, sau đó mới giải thích tại sao ngay cả bài tập nhàm chán nhất cũng hữu ích với mình.
Để bé thêm hào hứng, cha mẹ có thể đưa ra các chọn lựa cho con quyết định. Ví dụ như “Con muốn làm bài tập trước rồi xem phim, hay xem 15 phút trước khi học?”. Giáo sư Erika A. Patall chia sẻ, trẻ sẽ hào hứng nếu cảm thấy bài tập có giá trị và được quyền lựa chọn, thay vì ép buộc.
Khuyến khích con khám phá điều mới mẻ
Khi bé thích thú với bộ phim hoạt hình “Vua sư tử”, mẹ có thể gợi ý con cùng tìm hiểu về loài vật này trong đời sống tự nhiên. Tương tự, khi con tò mò cách chim làm tổ, ong lấy mật…, bố có thể bày tỏ niềm thích thú và khuyến khích con đi tìm chân tướng sự thật. Cách phụ huynh hào hứng và khích lệ là động lực lớn giúp trẻ ham học hỏi.
Chơi mà học với nhiều cách khác nhau
Nhà tâm lý học David Whitebread (Đại học Cambridge) nói trên New York Times rằng, chơi thường bị coi là hành vi chưa trưởng thành và không hữu ích. Nhiều cha mẹ không biết trẻ học hỏi được vô số thứ trong quá trình chơi đùa như tính kiên trì, khả năng tập trung, kiểm soát cảm xúc, kỹ năng quan sát, tưởng tượng, phân tích, sắp xếp…
Thay vì bắt con ngồi yên để học, mẹ hãy khuyến khích trẻ ra sân chơi, đến công viên. Điều này tạo cơ hội cho bé học bằng mọi cách thức đa dạng khác nhau từ lắng nghe đến quan sát, trải nghiệm thực tế.
Không hỏi han con về điểm số ở trường
Khi đón con đi học về, mẹ nên hạn chế hỏi “Con được điểm mấy?”. Thay vào đó hãy nói “Hôm nay con học được những gì”, “Kể cho mẹ nghe điều thú vị nhất hôm nay ở trường nào?”. Kỳ vọng của cha mẹ có thể làm trẻ lo lắng, thất vọng và mất đi cảm giác háo hức khi đến lớp.
Chị Hoa nhớ mãi lời khuyên của chuyên gia giáo dục Javier Espinoza trên Telegraph: “Đừng nhắm mục tiêu quá cao cho con, đừng đặt nặng điểm số, vì chúng không có tác dụng động viên, ngược lại sẽ gây áp lực cho trẻ”.
An San
0 nhận xét:
Đăng nhận xét