Nhờ đánh trúng tâm lý của người chơi game Pokemon Go ở Việt Nam, nhiều dịch vụ kinh doanh ăn theo kiếm bội tiền từ trào lưu này.
Giống như làn sóng Flappy Bird trước đây, các hình thức kinh doanh như áo phông có in logo, những chương trình bán hàng sử dụng hình ảnh Flappy Bird nhằm tranh thủ thị hiếu người tiêu dùng thì trò chơi Pokemon Go về Việt Nam cũng tạo nên cơn sốt tương tự.
Sau gần 1 tuần xuất hiện tại Việt Nam, Pokemon Go đã trở thành trào lưu hot của giới trẻ, nhất là ở những thành phố đông dân cư và khu du lịch nổi tiếng như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Huế… Các tụ điểm lý tưởng để “săn” thú nuôi là công viên, phố đi bộ, bờ hồ, di tích… Chính vì vậy, những cửa hàng kinh doanh gần các tuyến phố này nhanh chóng “tung chiêu” để thu hút khách hàng.
Ăn theo cơn sốt của game thực tế ảo này, một cửa hàng đồ uống ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đã giới thiệu những hình thức kinh doanh mới lạ. Trên trang fanpage, cửa hàng này mời chào: “Cửa hàng mình bên cạnh Hồ Gươm có rất nhiều Pokemon. Các bạn hãy nhanh chân qua để thưởng thức các ly trà sữa thơm ngon và thả ga bắt Pokemon nhé”.
Chị Lê Trang, quản lý cửa hàng cho biết: “Trước đây cửa hàng của tôi chủ yếu là dân văn phòng, nhưng từ lúc đăng dòng trạng thái này lên fanpage, quán có thêm lượng người là dân chơi Pokemon Go. Tranh thủ lúc game còn hot nên kiếm thêm thu nhập”.
Nói về trào lưu kinh doanh ăn theo game Pokemon Go, chị Trang chia sẻ: “Ai làm kinh doanh cũng vậy thôi, có một trào lưu hot nào đấy là phải tận dụng. Mặc dù chỉ được một thời gian ngắn, nhưng doanh thu lúc nào cũng cao gấp đôi. Hơn nữa, tôi thấy Pokemon Go là một trò chơi rất hữu ích. Sau những giờ làm việc căng thẳng, họ đến những tụ điểm ăn cùng nhau chia sẻ, bình luận, giao lưu, kết bạn”.
Không chỉ có các cửa hàng ăn uống, nhiều dịch vụ kinh doanh di chuyển cũng tận dụng độ hot của trò chơi này nhằm thu hút thị hiếu người tiêu dùng. Một hãng vận tải hành khách có tiếng “chơi trội” khi miễn phí hai chuyến đi bắt Pokemon Go. Hãng này còn giảm giá 30.000 đồng/chuyến cho những khách hàng đi săn “quái vật bỏ túi”.
Ngoài ra, trên mạng xã hội còn xôn xao dịch vụ xe ôm săn Pokemon. Tuy đây là bức ảnh chế của cư dân mạng, nhưng lại gợi mở nhiều ý tưởng kinh doanh độc đáo liên quan đến trò chơi đang gây sốt trong giới trẻ.
Bên cạnh đó mô hình Aminme cartoon Pokemon Go cũng rất thu hút ở thời điểm này. Mô hình có xuất xứ từ Nhật Bản được bán với giá 625.000 đồng. Tuy giá cao, nhưng theo chia sẻ của người bán hàng, mô hình này đang bán chạy trong thời gian gần đây, nhất kể từ khi game Pokemon Go về Việt Nam.
Anh Hoàng, chủ cửa hàng Aminme cartoon Pokemon Go cho hay: “Tôi bán mô hình chủ yếu qua hình thức online. Với mức giá hơn hơn 600.000 đồng được đánh giá là hơn cao so với mức độ tiêu dùng của người Việt, nhưng mấy ngày gần đây bán khá chạy vì tác động của cơn sốt Pokemon Go ở Việt Nam là quá lớn”.
Tuy vậy, theo anh Hoàng không phải lúc nào sản phẩm cũng có sẵn, hoặc có giá phù hợp với khách hàng vốn là các bạn trẻ, nên nhiều người dùng vẫn chuộng những sản phẩm giá bình dân. Ví dụ như mô hình này, thay vì lựa chọn sản phẩm của Nhật, họ ưu tiên dùng hàng Quảng Châu bởi có giá thấp hơn phân nửa.
Ngoài những hình thức kinh doanh kể trên, trào lưu chơi Pokemon Go còn là “miếng mồi béo bở” của những chủ cửa hàng Sim 3G, pin dự phòng, phụ kiện Pokemon, cho thuê giày patin, xe thăng bằng… Mặc dù chỉ ăn theo được thời gian ngắn nhưng hình thức này giúp cho các chủ tiệm kiếm bội tiền. Theo chia sẻ của một tiểu thương ở quận Hai Bà Trưng TP Hà Nội, số tiền lãi có thể lên đến hàng chục triệu mỗi ngày.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét