Olympic 2016 đã chứng kiến màn chỉ trích công khai của các VĐV đối với những "đồng nghiệp" có tiền án dùng chất kích thích. Nằm trong số những người bị chỉ trích nhiều nhất là "kình ngư" số 1 Trung Quốc Sun Yang, từng bị phát hiện sử dụng doping cách đây 2 năm nhưng chỉ bị cấm thi đấu 3 tháng một cách mập mờ. Rồi dưới sự bao che của ngành thể thao Trung Quốc, kình ngư này vẫn đủ điều kiện tham dự kỳ Asian Games ở Incheon, Hàn Quốc và đoạt 3 HCV.
Chưa hết, một "kình ngư" khác của Trung Quốc là Chen Xinyi đã bị phát hiện dùng chất cấm ngay tại Olympic Rio 2016. Trước đó, 7 VĐV bơi lội của Nga đã được cho phép thi đấu tại Rio sau khi bị cấm vì cáo buộc sử dụng doping.
Quyết định này làm dấy lên những tranh cãi từ các tuyển thủ bơi lội khác, đáng chú ý nhất là Lilly King của Mỹ và Mack Horton của Australia. Lilly King thậm chí còn chỉ tay vào mặt Yulia Efimova, VĐV bơi lội của Nga, trước đông đảo phóng viên và gọi Efimova là kẻ gian lận. Cụm từ này cũng được Mack Horton sử dụng với Sun Yang của Trung Quốc trong cuộc khẩu chiến cá nhân rồi sau đó biến thành xung đột truyền thông giữa hai nước.
Tất nhiên, ai cũng hiểu ý của Lilly King và Mack Horton ở đây là gì. Nhưng xét ở góc độ tuyệt đối, nhiều VĐV tại Olympic đều "gian lận" theo cách hiểu nào đó.
Nói vậy không có nghĩa mọi VĐV thi đấu tại Olympic đều dính tới chất kích thích. Cái muốn nói tới ở đây chính là những thiết bị, công cụ hỗ trợ mà vận động viên sử dụng để nâng cao hiệu quả thi đấu của họ.
Những thiết bị dành cho VĐV Olympic như xe đạp đua tốc độ cao, bộ đồ bơi gắn chặt vào cơ thể… đều được thiết kế trong phòng thí nghiệm bởi đội ngũ kỹ sư và các nhà nghiên cứu lâu năm nhằm phát triển tối đa tiềm năng con người.
Chẳng hạn lấy AeroBlades làm ví dụ. Đây chính là công nghệ mới nhất của Nike nhằm nâng cao tốc độ chạy của VĐV. Nike đã mất nhiều năm nghiên cứu mới tạo ra những chiếc răng nhỏ xíu được làm bằng công nghệ 3D.
Tất nhiên, những chiếc răng này không được gắn vào miệng các VĐV mà nó được gắn trên bộ đồ họ mặc. Nhiều chiếc răng xếp thành hình cánh gió làm cho luồng khí bao quanh VĐV thông thoáng hơn, qua đó giảm tối đa lực cản và tiêu hao năng lượng, giúp VĐV điền kinh bứt phá ngoạn mục hơn trên đường đua.
Chỉ có một số VĐV điền kinh tại Rio 2016 được ưu tiên sử dụng công nghệ AeroBlades, trong đó có Allyson Felix, Shelly-Ann Fraser Price, English Gardner và Ashton Eaton của Mỹ. Mohamed Farah, nam VĐV giành HCV chạy 10.000 m cũng mặc bộ đồ tích hợp công nghệ này.
Với AeroBlades, các VĐV giờ đây có thêm lựa chọn mới: gắn thêm các bộ vây cực nhỏ vào cơ thể họ để lướt trong không khí nhanh hơn. Trong thể thao đỉnh cao, nhất là môn chạy, chỉ cần hơn nhau vài phần trăm giây là đã đủ quyết định ai thắng ai thua.
Lấy ví dụ Galen Rupp, VĐV chạy đường dài người Mỹ, mặc bộ đồ tích hợp công nghệ AeroBlades đã về nhất tại vòng loại Olympic 10.000 m ở Eugene, Oregon. Tại Olympic London 2012, Rupp giành HCB với thành tích 27:30.90, ít hơn nửa giây so với HCV Mo Farah (Anh) - 27:30:42. Giả sử Rupp sử dụng công nghệ AeroBlades khi đó, anh đã có thể đoạt HCV.
Điều này không hẳn là gian lận bởi các VĐV điền kinh và bơi lội có thể đạt thành tích cao hơn nếu cạo lông ngực trước khi đua. Nhưng thường bộ đồ công nghệ sẽ cho hiệu quả thi đấu cao hơn.
Ví dụ điển hình nhất là Olympic mùa hè 2008, một số VĐV bơi lội mặc bộ đồ LZR Racer bó sát cơ thể của hãng Speedo (Anh) đã phá nhiều kỷ lục thế giới trên đường đua xanh. Bộ đồ bằng nhựa tổng hợp này có thể tăng sức mạnh của các cơ, giúp VĐV bơi nhanh hơn.
Tuy nhiên, sau nhiều tranh cãi, bộ đồ này đã bị Liên đoàn các môn bơi quốc tế (FINA) cấm sử dụng. Có cảm giác lúc đó, bất cứ VĐV nào mặc bộ đồ LZR Racer đều sẵn sàng phá kỷ lục thế giới.
Nói chung, các công nghệ chỉ mang yếu tố hỗ trợ là chính và chỉ nên ở mức can thiệp rất nhỏ. Nếu thành tích tăng quá nhiều, ngay lập tức cơ quan quản lý sẽ để mắt tới. Vậy nên, các nhà thiết kế cũng "biết ý" chỉ tăng tốc từ từ.
Chẳng hạn Speedo, khi FINA ra lệnh cấm, hãng đã cải thiện bộ đồ LZR Racer không còn sử dụng chất liệu nhựa tổng hợp và không ở dạng bó toàn thân nữa. Tất nhiên, LZR Racer vẫn có những tác dụng nhất định nhưng nó không vi phạm quy định mới của FINA.
Bộ đồ LZR Racer X mới áp dụng công nghệ nén cơ chỉ áp dụng cho vùng đùi và mông, thay cho toàn cơ thể như trước đây. Với các VĐV bơi lội đỉnh cao, thì ưu thế về các cơ chính (cơ đùi và cơ mông) đã là quá đủ để họ duy trì lợi thế dẫn đầu.
Nói ngắn gọn thì bộ đồ bơi LZR Racer X mới giống như hệ thống lực đẩy, một dạng cảm ứng haptic (chạm và cảm nhận) mà các bộ đồ bơi thông thường không có được .
Những sản phẩm như vậy giúp tăng đáng kể mối liên kết giữa VĐV và bộ đồ của họ. Tất nhiên, những thành quả công nghệ này cần được áp dụng hợp lý, đúng lúc và đúng chỗ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét