Các tổ chức thánh chiến tại Trung Đông sử dụng trang mạng xã hội Facebook như một công cụ hữu ích rao bán vũ khí hạng nặng.
Theo báo cáo điều tra của tờ New York Times (Mỹ), các tổ chức thánh chiến tại Trung Đông đã sử dụng trang mạng xã hội Facebook như công cụ rao bán vũ khí hạng nặng. Đây là kết quả của quá trình hợp tác điều tra giữa tờ New York Times và tổ chức Nghiên cứu Vũ khí về các vụ buôn bán vũ khí hạng nặng trên các nhóm Facebook ở Libya từ tháng 9/2014.
Những tay súng tại các vùng lãnh thổ có liên quan đến tổ chức khủng bố IS ở Libya đang mở một phương thức giao dịch mới bằng cách mở “thị trường chợ đen” trên mạng xã hội, công khai buôn bán các trang thiết bị vũ khí. Sử dụng chức năng "tạo nhóm" thu hút người mua trên Facebook và thanh toán đảm bảo bí mật bằng ứng dụng Messenger, hình thức mua vũ khí trực tuyến đang ngày một nở rộ. Bài viết trên tờ New York Times nhấn mạnh những hoạt động buôn bán kiểu này tràn lan tại các khu vực xảy ra giao tranh như ở Iraq và Syria. Tính đến nay đã có hơn 6.000 phi vụ mua vũ khí thành công xuyên Trung Đông qua trang Facebook.
Các loại vũ khí được rao bán trên Facebook đa dạng, phong phú đủ chủng loại, thậm chí người mua có thể dễ dàng tậu cho mình một khẩu súng máy hạng nặng hay tên lửa nhiệt vác vai. Đáng báo động, một số lượng lớn sản phẩm đăng quảng cáo trên mạng thuộc dàn vũ khí Mỹ cung cấp yểm trợ cho lực lượng quân đội Iraq, bao gồm “súng trường M4, M16, vũ khí tự động M249, súng ngắn Glock”. Theo cuộc khảo sát, phần lớn các loại vũ khí được rao trên mạng xã hội không đính kèm theo giá, mà thay vào đó, “hàng hóa” sẽ được người mua tự đề nghị mức giá, dẫn đến việc xuất hiện của các cuộc đấu thầu. Với cách thức mua này, vũ khí chống máy bay có thể bị đội giá lên tới hơn 65.000 USD.
Một số nguồn tin đáng tin cậy tiết lộ hầu hết các phi vụ buôn bán tập trung tại những thành phố lớn như Tripoli, Benghazi và Sabratha (Libya). Các nhà điều tra tin rằng khách hàng chủ yếu trên thị trường chợ đen vũ khí là những người đàn ông trẻ trong độ tuổi 20 – 30. Ngoài việc thanh niên mua súng để tự vệ, các phần tử thánh chiến cũng trở thành khách hàng quen thuộc tại các nhóm chợ nhỏ trực tuyến. Khi thấy có mẩu quảng cáo vũ khí phù hợp với mục đích sử dụng, người mua sẽ nhắn tin hay liên lạc bằng số điện thoại cá nhân tới nhà cung cấp để trao đổi giá cả và phương thức giao hàng. Một nhóm buôn bán vũ khí trên Facebook có thể thu hút từ 400 đến 14.000 thành viên gia nhập.
Đầu năm nay, Facebook đã đưa ra một lệnh cấm và dự tính sẽ đóng cửa một loạt các tổ chức buôn bán vũ khí trái phép trên mạng trá hình hoạt động nhóm xã hội. Đại diện Facebook phát biểu “Hành vi này trái với Tiêu chuẩn Cộng đồng Facebook (bản hướng dẫn nội dung bị cấm đăng tải trên Facebook). Chúng tôi sẽ dỡ bỏ tất cả các bài đăng liên quan đến buôn bán vũ khí nếu như nhận được báo cáo từ phía người sử dụng. Tại trang chủ của một nhóm, đều có nút ‘report’ (báo cáo), người sử dụng có thể ấn nút, sau đó thông báo sẽ được chuyển đến ban quản trị mạng. Dựa vào nội dung các bài post đăng tải, ban quản trị sẽ có phương thức xử lý thích hợp, ngăn chặn hành vi trái pháp luật”.
Bên cạnh Facebook, WhatsApp, Instagram hay Telegram cũng là một trong những thị trường chợ đen mua vũ khí phổ biến giữa các nhóm phiến quân.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét