Đầu tiên là động cơ chạy bằng hơi nước và thủy lực, rồi đến động cơ điện, dây chuyền sản xuất và điện toán hóa,…Tiếp theo sẽ là gì?
Một số người gọi đây là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay công nghiệp thế hệ 4.0. Đây là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối Internet (IoT) và các hệ thống kết nối Internet (IoS).
Nói một cách ngắn gọn thì viễn cảnh các nhà máy thông minh trong đó các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định có vẻ sẽ không còn xa xôi nữa.
Và đây chính là lúc công việc của chúng ta trong tương lai sẽ thay đổi.
Giáo sư Klaus Schwab, sáng lập viên kiêm chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới đã cho ra mắt cuốn sách “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” trong đó ông mô tả những điểm khác biệt của cuộc cách mạng này so với ba cuộc cách mạng hầu hết dựa trên những tiến bộ công nghệ trước đó.
Trong cuộc cách mạng thứ tư, chúng ta sẽ đến với sự kết hợp giữa thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật. Những công nghệ mới này sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp, đồng thời cũng thách thức ý niệm của chúng ta về vai trò thực sự của con người.
Những công nghệ này có tiềm năng kết nối hàng tỷ người trên thế giới, gia tăng đáng kể hiệu quả hoạt động cho các tổ chức, doanh nghiệp, tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên hay thậm chí là khôi phục lại những tổn thất mà các cuộc cách mạng công nghiệp trước gây ra.
Tuy nhiên, cái gì cũng đi kèm với những rủi ro. Schwab chỉ ra những mối lo ngại của ông về khả năng các tổ chức, doanh nghiệp có thể sẽ chưa sẵn sàng đón nhận các công nghệ tối tân hay các chính phủ sẽ gặp khó trong việc tuyển dụng người cũng như quản lý các công nghệ này một cách toàn diện. Trong cuốn sách, ông cũng đề cập đến việc công nghệ mới sẽ dẫn đến những thay đổi về quyền lực, gây ra những lo ngại về an ninh cũng như về khoảng cách giàu nghèo. Khoảng cách này có lẽ sẽ chỉ bị nới rộng thêm nếu không được kiểm soát tốt.
Chẳng hạn khi robot và tự động hóa lên ngôi, hàng triệu người sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp, đặc biệt là những nhân công trong ngành vận tải, kế toán, môi giới bất động sản hay bảo hiểm. Theo một con số ước tính, khoảng 47% các công việc hiện tại ở Mỹ có thể sẽ biến mất vì tự động hóa.
Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc cách mạng này sẽ có lợi cho tầng lớp giàu hơn là người nghèo, đặc biệt là những lao động trình độ thấp.
Viễn cảnh này không hề khó dự đoán. Trong lịch sử, các cuộc cách mạng công nghiệp đều xảy ra với bất công gia tăng kéo theo hàng loạt những chuyển dịch lớn về chính trị cũng như thể chế. Cách mạng công nghiệp Châu Âu hồi thế kỷ 19 đã dẫn tới sự phân cực giàu nghèo và ngay sau đó là 100 năm đầy biến động, bao gồm cả sự lan tỏa của chủ nghĩa dân chủ, quyền lợi công đoàn hay những thay đổi về luật thuế cũng như an sinh xã hội.
Có thể nói ở thời điểm hiện tại, các hệ thống chính trị, xã hội hay kinh doanh của chúng ta chưa thực sự sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển đổi mà cuộc cách mạng này sẽ mang lại, nhưng trong tương lai, những biến đổi sâu sắc trong cơ cấu xã hội sẽ là điều tất yếu xảy ra.
Schwab nhận định “Những thay đổi này sẽ sâu sắc đến mức chưa bao giờ trong lịch sử lại có một thời điểm con người đứng trước cùng lúc nhiều cơ hội lẫn rủi ro như thế. Mối quan ngại của tôi là các lãnh đạo chính trị và kinh doanh có thể sẽ giữ lối tư duy quá cổ hủ hoặc quá ám ảnh với việc các đột phá công nghệ sẽ thay đổi tương lai loài người như thế nào."
Để phát triển, lãnh đạo các tổ chức kinh doanh sẽ phải chủ động đưa tư duy của mình thoát khỏi lối mòn với những ý tưởng, những hệ thống họ thậm chí chưa bao giờ nghĩ tới. Họ cũng sẽ phải đặt câu hỏi về mọi thứ, từ việc suy nghĩ lại các chiến lược, các mô hình kinh doanh cho đến các quyết định đầu tư vào đào tạo nhân lực hay các hoạt động nghiên cứu phát triển.
Tương lai đang dần hình thành ngay trước mắt chúng ta, và con người sẽ phải học cách đón nhận, thích ứng với những bước tiến đang đến như vũ bão này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét