Cùng với việc giành được giải Nhì cuộc thi Edtech Asia Hackathon 2016, đội thi Eezy gồm 2 thành viên Đào Trần Bằng và Lý Thụy Vi còn giành được gói tài trợ FB Start của Facebook trị giá 80.000 USD.
Ban tổ chức cuộc thi lập trình trong lĩnh vực giáo dục Edtech Asia Hackathon 2016 vừa công bố kết quả cuộc thi.
Là cuộc thi lập trình theo nhóm 2 - 4 người trong thời gian 48 tiếng (từ ngày 9 - 10/4/2016) do Topica và Edtech Asia tổ chức, với sự tài trợ của hai ông lớn công nghệ là Facebook và Google, Edtech Asia Hackathon 2016 thu hút sự tham gia tranh tài của 19 đội thi là các cao thủ xuất sắc nhất trong lĩnh vực CNTT cho giáo dục. Yêu cầu với các đội thi là sau thời gian quy định 48 tiếng, các đội thi đưa ra những sản phẩm công nghệ sáng tạo, độc đáo và mới lạ trong lĩnh vực giáo dục.
Trong lần đầu tiên cuộc thi lập trình này được tổ chức tại Việt Nam, theo kết quả mới được Ban tổ chức công bố, giải Nhất đã thuộc về đội ACT gồm 4 thành viên Nguyễn Quang Phúc, Đoàn Ngọc Bảo, Phạm Thanh Huy và Phạm Thế Hùng, với sản phẩm Muzikator (Học hát bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu). Với ứng dụng này, nhóm đã sử dụng công nghệ xử lý âm thanh. Trong cuộc thi đã Demo được xử lý cao độ của giọng hát; Web RTC có người dạy trực tiếp; có hỗ trợ nhạc cụ của Pianp.
Giải Nhì và giải Ba đã lần lượt được trao cho các đội Eezy (gồm 2 thành viên Đào Trần Bằng, Lý Thụy Vi) và Powerify (gồm 2 thành viên Nguyễn Quang Vũ, Nguyễn Tuấn Anh) với các sản phẩm “Kid REC” và “Sonmia - dream without end”.
Bên cạnh đó, ứng dụng “Kid-REC” của đội Eezy còn giành được Facebook trao tặng gói tài trợ FB Start trị giá 80.000 USD cho Mobile App.
Sản phẩm “Kid-REC” của hai bạn trẻ Đào Trần Bằng và Lý Thụy Vi hướng tới xây dựng kỹ năng cảm xúc cho trẻ từ 6-10 tuổi; dùng công nghệ làm công cụ để giúp các bé tương tác với ba mẹ và tương tác với người thân xung quanh Ứng dụng hỗ trợ phát triển kỹ năng cảm xúc xã hội (Social and Emotional Learning - SEL) dành cho trẻ em từ 5-10 tuổi. SEL đang là xu hướng giáo dục mới tập trung phát triển trẻ em theo thiên hướng cảm xúc, từ đó phát triển các mối quan hệ xã hội, tính tự tin, tự lập... Kid-REC sẽ được xây dựng theo mô thức game mà trong đó trẻ sẽ phải quay video để hoàn thành nhiệm vụ ở từng màn chơi. Kid-REC sẽ giúp trẻ hiểu thêm về các cảm xúc cơ bản (vui, buồn, giận, sợ hãi) và học cách kiềm chế cảm xúc qua các câu chuyện mà trẻ quay được.
Còn với sản phẩm “Sonmia - dream without end” giành giải Ba của nhóm tác giả Nguyễn Quang Vũ và Nguyễn Tuấn Anh, ứng dụng hướng tới hỗ trợ học từ vựng tiếng Anh trong lúc ngủ. Theo lý giải của nhóm, đa phần mọi người khi học từ vựng thường sẽ phải học trong lúc tỉnh. Phần lớn những kiến thức này sẽ bị rơi rụng và không cách nào để lấy lại trừ khi hôm sau lại học những kiến thức đó để gia cố cho nó những phần kiến thức dài hạn. Khi ngủ kiến thức sẽ được đưa vào phần bộ nhớ dài hạn. Ứng dụng này sẽ giúp cho người học gia cố những phần kiến thức dài hạn đấy ngay trong lúc ngủ để tăng hiệu năng học từ vựng.
Bên cạnh đó, với sản phẩm Virtual Book, đội thi JustDoIt gồm 4 thành viên Nguyễn Mậu Quang Vũ, Ngô Ngọc Trường Hân, Trần Vĩnh Nghĩa và Phạm Đức Huy đã giành Topica Award. Sản phẩm xây dựng một nền tảng cho phép mọi người chia sẻ nội dung bài giảng dưới dạng là 3D, nội dung này có thể xem được trên thiết bị iPad hoặc là xem được trên các thiết bị 3D của sản phẩm như là Oculus Rift, Hololens và Magic Leap.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét